Bình luận ngắn - Sức nặng của báo chí
Chủ nhật, ngày 29 Tháng 9 năm 2019 lúc 00:00

Không lâu sau khi ra đời, báo chí đã phân chia thành 2 nhánh khá rõ rệt, là đưa tin thông tấn và đưa tin có bình luận, phân tích, lý giải… Trong đó, bình luận là một thể loại báo chí thuộc nhánh thứ hai, ngay từ đầu đã thể hiện sức nặng của mình, ghi những dấu ấn đậm nét…



Không lâu sau khi ra đời, báo chí đã phân chia thành 2 nhánh khá rõ rệt, là đưa tin thông tấn và đưa tin có bình luận, phân tích, lý giải… Trong đó, bình luận là một thể loại báo chí thuộc nhánh thứ hai, ngay từ đầu đã thể hiện sức nặng của mình, ghi những dấu ấn đậm nét…

Bình luận ngắn - Sức nặng của báo chí

Bình luận nói riêng, các thể loại báo chí chính luận nói chung là thể loại báo chí xuất hiện từ lâu trên thế giới, và ngay lập tức tạo được dấu ấn riêng, nhờ những đặc trưng về thể loại có sự khác biệt rõ ràng so với các thể loại báo chí thông tấn như tin, bài phản ánh, phỏng vấn… Đó là việc lựa chọn đề tài, triển khai tác phẩm với các luận điểm, luận cứ, luận chứng xác đáng, thuyết phục, lý giải ngắn gọn, sâu sắc, rõ ràng, chính xác bản chất mà chủ đề bài bình luận đề cập. Đó là việc nêu quan điểm, chính kiến của người viết, cũng như tòa soạn về vấn đề nhiều người quan tâm tại thời điểm bài bình luận xuất hiện, thậm chí là dự báo diễn tiến trong tương lai. Bên cạnh đó, là việc sử dụng ngôn ngữ báo chí, văn phong mang đậm dấu ấn cá nhân người viết, không gò bó, chật chội, khuôn khổ, phép tắc…

Chính vì vậy, nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đã chú trọng đầu tư cho thể loại bình luận với nhiều tên gọi khác nhau trong các chuyên mục, trên tất cả các lĩnh vực mà cơ quan báo chí có đề cập đến, từ văn hóa, thể thao, quốc tế đến kinh tế, xã hội, chính trị... Song song đó, là việc chú trọng đầu tư, xây dựng những cây bút chuyên viết bình luận, với cách tiếp cận sự kiện, chủ đề độc đáo, tinh tế, việc nêu quan điểm, chính kiến rõ ràng, trực diện, sâu sắc cùng giọng điệu, văn phong đặc trưng, thu hút sự chú ý của công chúng.

Trong thể loại bình luận, bình luận ngắn (chủ yếu xét về số chữ trong một bài) là phổ biến nhất, được sử dụng rộng rãi nhất, bởi những ưu thế nổi trội như phản ánh sâu một vấn đề thời sự với lý lẽ, lập luận, minh chứng thuyết phục, giúp công chúng hiểu rõ, hiểu đúng vấn đề, nhất là những vấn đề còn không ít tranh cãi, qua đó có thể tin, nghe và làm theo. Từ không ít chuyên mục bình luận ngắn đã xuất hiện các cây bút, tờ báo có tên tuổi, tạo vị thế, uy tín trong làng báo, đủ sức thuyết phục công chúng. Những người viết bình luận được gọi là những nhà bình luận đầy sự tôn trọng, vị nể, như những cây bút phóng sự, điều tra lừng danh…


Ngày nay, bình luận ngắn hiện diện ở tất cả các loại hình báo chí

Nguyên tắc 5C + 1N trong bình luận ngắn

Đối với mỗi tác phẩm báo chí, đều cần chú trọng thực hiện một số nguyên tắc sau khi triển khai thực hiện, đó là: Thích hợp, Chính xác, Minh bạch, Chính trực, Công bằng và Cân bằng, Trách nhiệm, Đổi mới, Sáng tạo…

Để có được một bài bình luận ngắn thành công, ngoài những sự nhận diện, kỹ năng chung đối với một tác phẩm báo chí, có thể đúc kết ngắn gọn thông qua nguyên tắc 5 C+1N, đó là: Chủ đề, Chính kiến, Chính xác, Công bằng, Công tâm và Nhân văn.

- Chủ đề: Lựa chọn được những sự kiện, vấn đề tốt, thời sự, thiết thực, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng.

- Chính kiến: Nêu được chính kiến, quan điểm của cá nhân, cũng như cơ quan báo chí một cách rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết, thuyết phục.

- Chính xác: Thiết lập hệ thống các luận điểm, luận cứ chính xác, phù hợp, khách quan, có mối liên hệ chặt chẽ, không có sai sót, sai lệch.

- Công bằng: Luôn phải tỏ ra công bằng/cân bằng trong việc lựa chọn luận điểm luận cứ, sử dụng ngôn từ, câu chữ, giọng điệu, tránh sự thiên lệch, một chiều, thiếu hợp lý, bất công…

-  Công tâm: Phải tỏ rõ sự công tâm trong bài viết, phải ngay thẳng, vì cái chung, tránh sự thiên vị, ưu ái, tư lợi khi bình luận.

- Nhân văn: Luôn đề cao, thể hiện rõ giá trị nhân văn trong mỗi bài viết, đề cao sự hướng thiện, tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, giá trị con người.

Tại Việt Nam, thể loại bình luận ngắn cũng xuất hiện khá sớm. Ngày nay, bình luận ngắn hiện diện ở tất cả các loại hình báo chí, với những phương thức xây dựng, chuyển tải thông tin khác nhau. Bình luận ngắn xuất hiện trên hầu khắp các lĩnh vực, như: văn hóa - văn nghệ, thể thao, kinh tế, xã hội, quốc tế, chính trị, nội chính… với nhiều tên gọi tại các chuyên mục khác nhau, như: Sự kiện và Bình luận, Thời sự và Suy nghĩ, Thời luận, Tiêu điểm, Sổ tay, Góc nhìn, Quan điểm, Kính đa tròng, Chào buổi sáng, Suy ngẫm, Theo dòng thời sự…

Các bài bình luận ngắn thường có độ dài từ khoảng 500 đến 1.000 chữ, tùy theo báo in, hay báo mạng điện tử; thường do một, hoặc một số người viết cố định đối với những chuyên mục cụ thể đề cập đến phạm vi, lĩnh vực nào đó… Về mặt hình thức, chuyên mục bình luận ngắn cũng là “đặc sản” của không ít tờ báo, được chú trọng về mặt trình bày để giúp người đọc dễ nhận diện chuyên mục và tìm đọc, ví dụ như đặt tại vị trí cố định trên trang báo (giao diện), có tên chuyên mục, có thể có ảnh tác giả, được đóng khung, in nghiêng…

Cũng như trên thế giới, tại Việt Nam, không ít tờ báo, nhà báo, chuyên mục chú trọng thể loại bình luận ngắn đã tạo dựng được tên tuổi, uy tín, vị thế của mình, thuyết phục được công chúng bởi cả nội dung, hình thức chuyển tải tác phẩm, trở thành “địa chỉ tin cậy”, là sự mong chờ của nhiều người đọc… Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin, truyền thông xã hội lấn át, vượt trội trong việc đưa tin ban đầu (chưa nói đến thật - giả cần phải kiểm chứng), công chúng rất cần những bài bình luận ngắn để vừa đáp ứng thông tin thời sự, vừa lý giải bản chất thông tin với những phân tích, luận giải, chứng minh có cơ sở, lý lẽ thuyết phục cùng lối hành văn độc đáo, giản dị, bản sắc, dễ hiểu… qua đó có thể hiểu, tin tưởng, nghe và làm theo…

Theo:Nguyễn Tri Thức/ Tạp chí Người làm báo(http://hoinhabaovietnam.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: