Người được Bác Hồ dạy chụp ảnh
Chủ nhật, ngày 17 Tháng 5 năm 2020 lúc 00:00

Quảng Ninh có rất nhiều tấm gương học tập và làm theo Bác, nhưng được Người chỉ dạy một việc làm cụ thể như ông Phạm Hoành thì rất ít. Ông Phạm Hoành đã may mắn được Bác Hồ dạy chụp ảnh.


Bác Hồ và ông Phạm Hoành.


Ông Phạm Hoành tên thật là Lê Văn Tư, sinh năm 1923 tại xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông tham gia cách mạng từ tháng 4/1945.

Tháng 4/1945, ông hoạt động trong tổ Việt Minh bí mật tại xã Duy Tân, làm Bí thư Đoàn thanh niên xã, Bí thư Việt Minh xã Duy Tân. Tháng 4/1946, ông được kết nạp Đảng. Từ tháng 1/1947, ông là Huyện ủy viên, Trưởng phòng Thông tin huyện Kinh Môn.

Năm 1948, ông làm Trưởng ban chính trị Tỉnh đội dân quân Liên tỉnh Quảng Hồng, Bí thư Chi bộ Tỉnh đội, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ. Từ tháng 2/1950, ông là Trưởng ban cán sự Liên thị xã Hòn Gai - Hà Lầm; Chính trị viên Đặc khu đội Hòn Gai.

Từ 1954 đến hết năm 1961, ông Phạm Hoành là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng. Đây là giai đoạn ông đã có vinh dự 2 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dạy cách chụp ảnh. Từ ngày 3 đến 5/10/1957, về thăm Quảng Ninh, Bác Hồ nói chuyện với nhân dân thị xã Hòn Gai, thăm Vịnh Hạ Long.

Nhân dịp này, nhiều đồng chí lãnh đạo khu Hồng Quảng đã đến gặp Bác. Vào thời điểm đó, cả đoàn đại biểu khu Hồng Quảng ai cũng muốn có ảnh lưu niệm với Bác. Khổ nỗi máy ảnh thì có nhưng không ai biết chụp. Vậy là chính Bác Hồ đã sử dụng chiếc máy ảnh đó để cài chế độ tự động chụp rồi ngồi vào cùng với lãnh đạo Khu Hồng Quảng.

Chuyện Bác Hồ chụp ảnh bằng chế độ tự động thì không có gì là lạ vì trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã có thời gian làm nghề thợ ảnh ở Pháp. Bác Hồ sắp xếp chỗ ngồi sẵn đặt máy rồi trở lại ngồi cạnh lần lượt từng nhân vật. Bức ảnh đen trắng này khá bền trước thời gian. Màu sắc đường nét còn rất rõ ràng.


Ông Phạm Hoành (bên trái) những năm cuối đời. Ảnh tư liệu.

Hai năm sau đó, ông Phạm Hoành chẳng những lại được chụp ảnh với Bác Hồ mà còn được Người chỉ dẫn cách chụp ảnh. Sinh thời, ông Phạm Hoành, trong một bài viết trên Báo Quảng Ninh, đã chia sẻ: "Tôi có may mắn trong cuộc đời đã nhiều lần được gặp Bác, trong đó đáng nhớ nhất là lần Bác đi thăm Vịnh Hạ Long vào 31/3/1959.

Trước khi đi, tôi mượn bên Văn phòng chiếc máy ảnh của Nhật còn khá mới đem theo, chủ định sẽ chụp ảnh Bác, mặc dù về kỹ thuật ảnh tôi... chưa biết gì. Chúng tôi đưa Bác và cả đoàn đi thăm Vịnh Hạ Long trên chiếc thuyền buồm có gắn động cơ. Thuyền chạy khá nhanh nhưng khi ra xa bờ thì chậm lại để Bác và mọi người ngắm cảnh.

Bác ngồi ở mũi thuyền, dáng vẻ hiền từ, thư thái, nom thật đẹp. Nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đi cùng, thấy vậy giơ máy lên định chụp nhưng Bác xua tay ra ý không chụp (tôi đoán có lẽ Bác không muốn báo chí đưa tin về chuyến đi này của Người chăng?).

Tôi mạnh dạn đến bên Bác, xin phép được chụp với Bác tấm hình làm kỷ niệm gia đình. Bác vui vẻ đồng ý. Thấy tôi lóng ngóng thao tác, Bác liền giảng giải hướng dẫn tôi cách chụp. Bác dạy cách đặt tốc độ ánh sáng, khẩu độ ống kính, cách lấy nét v.v..".


Bút tích của ông Phạm Hoành.

Từ 1962 đến 1980, ông Phạm Hoành lần lượt đảm nhiệm các vị trí: Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu Hồng Quảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ông là Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh khóa VII.

Với những đóng góp của mình, ông Phạm Hoành đã được tặng thưởng Huân chương Kháng Chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Kháng Chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Chiến Thắng hạng Nhì, Huân chương Độc Lập hạng Nhì và Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông Phạm Hoành qua đời ngày 24/4/2008 tại thành phố Hạ Long, hưởng thọ 86 tuổi.



Theo Huỳnh Đăngnguồn: (baoquangninh.com.vn)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: