Ký ức không quên về bức ảnh viên phi công Mỹ ngày ấy
Thứ năm, ngày 01 Tháng 8 năm 2019 lúc 00:00



Đã 55 năm trôi qua, kể từ ngày cả dân tộc Việt Nam hân hoan, âm vang tưng bừng trong chiến thắng trận đầu (5/8/1964) thì cũng là chừng ấy năm, câu chuyện về viên phi công Mỹ đầu tiên bị bắt trên vịnh Hạ Long trở thành ký ức không bao giờ quên đối với nhà báo Công Vượng. Nay ở tuổi 85, mắt đã mờ, tay đã run, bản thân ông cũng không còn minh mẫn để nhớ mọi chuyện song từng chi tiết về viên phi công Mỹ tên Everett Alvarez, về ngày đi tác nghiệp đặc biệt ấy vẫn luôn hiện hữu trong ông, chân thực, sống động như mới ngày hôm qua.


Bức ảnh viên phi công Mỹ E.Alvarez bị bắt sống trong trận 5/8/1964 do nhà báo Công Vượng chụp.

Như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp tháng 8 về, gia đình nhà báo Công Vượng lúc nào cũng tấp nập những đoàn khách và phóng viên các cơ quan báo chí, những người bạn đồng nghiệp đến thăm để được ngồi lắng nghe ông kể, chia sẻ lại câu chuyện về bức ảnh chân dung viên phi công Mỹ E.Alvarez do ông chụp ngày 5/8/1964.

Nhà báo Công Vượng kể: Tôi còn nhớ, chiều ngày 5/8 năm ấy, trận không kích vào căn cứ Hải quân Cửa Lục, khu vực Bãi Cháy vô cùng ác liệt nhất. Cả thị xã Hòn Gai vang động tiếng gào rú của máy bay, tiếng  súng cao xạ, đại liên, trung liên... từ bốn phía bắn lên. Nhận được thông tin, Ban biên tập Báo Quảng Ninh nhanh chóng hội ý và phân công nhiệm vụ cho các cán bộ, phóng viên theo dõi tình hình chiến sự. Đến chiều, khi cuộc chiến đấu chấm dứt được khoảng 10 phút thì Đài Phát thanh thị xã đưa tin máy bay Mỹ đã bị bắn rơi, giặc lái nhảy dù rơi ngoài vịnh. Lúc ấy, theo phân công, tôi nhanh chóng cầm máy ảnh lao đi tác nghiệp. Tuy nhiên, khi ra tới nơi thì viên phi công đã bị bắt và được đưa đi rồi. Cho tới khoảng hơn 20 giờ cùng ngày, trong lúc đang bắt đầu ăn cơm thì tôi nhận được tin Toà soạn báo tên giặc lái nhảy dù hiện đang bị giam giữ tại Bãi Cháy. Một lần nữa tôi lại vội vàng cầm máy ảnh lên đường.

Trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức được sự kiện quan trọng, bản thân tôi chủ động chuẩn bị máy ảnh cẩn thận, điều chỉnh các chế độ chụp ảnh sẵn sàng. Bởi khi ấy trong tôi chỉ nung nấu quyết tâm khi đứng trước quân địch mình cũng cần thể hiện bản lĩnh, chuyên nghiệp và hơn cả là phải chụp được tấm ảnh lột tả rõ nhất sự thất trận thảm hại của quân Mỹ.

Khoảng 9h tối tôi có mặt tại đơn vị hải quân. Trong căn phòng rộng hơn 10 m², tôi thấy viên phi công Mỹ E.Alvarez đang ngồi trên một chiếc ghế đẩu cao giữa phòng. Tôi đứng cách hắn chừng 1m. Sau khi xin ý kiến cán bộ đơn vị, tôi bắt đầu tác nghiệp. Phát hiện thấy tôi giơ máy lên chụp, Alvarez phản ứng rất nhanh bằng cách ngoẹo đầu, vênh mặt lên, nheo hai mắt, mồm méo xệch, không cho tôi ghi hình. Trước thái độ đó, tôi liền bỏ máy xuống, tôi nhìn thẳng vào mặt viên phi công với nét mặt nghiêm nghị. Trước thái độ của tôi, Alvarez cúi đầu, tôi giơ máy bấm liền 3 kiểu trong chưa đầy một phút.

Nhà báo Công Vượng luôn lưu giữ bức ảnh chụp viên phi công Mỹ  E.Alvarez như một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời làm báo.

Ngay tại thời điểm ấy hay bây giờ, điều mà chính tôi cũng cảm thấy tâm đắc, mãn nguyện về bức ảnh đó chính là khoảnh khắc E.Alvarez cúi mặt, đôi mắt lấm lét, không giấu được sự sợ hãi, khuất phục… Một bức chân dung vậy thôi nhưng có lẽ đã thay lời khẳng định, đế quốc Mỹ dù to lớn nhưng cũng sẽ phải cúi đầu trước dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng anh dũng, kiên cường. Và ngay ngày hôm sau, bức ảnh E.Alvarez cúi đầu với dòng chú thích “Giặc lái Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc” đi kèm với những dòng tin chiến thắng oanh liệt của quân dân miền Bắc nói chung và Quảng Ninh nói riêng nhanh chóng được đăng tải lại ở Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và nhiều báo chí, tạp chí khác trong cả nước và thế giới...

Và cũng mãi về sau này nhà báo Công Vượng mới biết bức ảnh chân dung E.Alvarez mang một ý nghĩa chính trị quan trọng, đã làm nổi lên phong trào biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Chính người vợ, người mẹ và em gái của E.Alvarez sau khi xem ảnh cũng có mặt trong các đoàn biểu tình đòi Chính phủ Mỹ phải rút quân về nước...

Những câu chuyện lịch sử cứ thế được kể lại, ghi lại qua mỗi năm đến ngay cả người vợ của nhà báo Công Vượng qua nhiều năm được nghe câu chuyện về viên phi công Mỹ ông kể cũng đã thuộc và ghi nhớ từng sự kiện, chi tiết. Song đối với nhà báo Công Vượng đó không chỉ là một kỷ niệm, một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời làm báo của riêng ông mà hơn hết đó còn là niềm tự hào bởi được đóng góp một phần nhỏ bé vào ký ức lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc.

Nguồn: Duy Khoa (baoquangninh.com.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: