Ngăn chặn tin giả
Thứ sáu, ngày 14 Tháng 8 năm 2020 lúc 00:00

Việc tin giả lan truyền thông tin độc hại trên mạng internet gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT. Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực xử lý, đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân, định hướng dư luận.


Các cơ quan chức năng của tỉnh làm việc với chủ tài khoản Mốt Ngọc Sen (Ảnh: Nguyễn Trang)

Cuối tháng 7 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với Đặng Thị Thu Sen, trú phường Hồng Hải, TP Hạ Long, chủ tài khoản facebook Mốt Ngọc Sen. Trước đó, ngày 27/7, tài khoản này đã đăng tải bài viết giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình dịch Covid-19, trong đó có những thông tin sai lệch về diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng dịch, gây ảnh hưởng tiêu cực tới dư luận và công tác phòng chống dịch hiện nay.

Trước đó, ngày 18/2, ông Vũ Văn Chang, Phó Quản đốc Phân xưởng Vận tải số 3 và ông Phạm Quang Trường, công nhân lái xe Phân xưởng Vận tải số 3, Công ty CP Vận tải và Đưa đón thợ mỏ - TKV, đã bị đơn vị ban hành quyết định xử lý kỷ luật do vi phạm cung cấp và truyền tin không đúng sự thật về dịch Covid-19.

Đây chỉ là hai trong số các vụ việc bị các đơn vị, ngành chức năng của tỉnh xử lý vi phạm về đăng thông tin sai sự thật. Theo bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT, thời gian qua Sở đã thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nắm bắt, xử lý thông tin thất thiệt, xuyên tạc, sai sự thật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành văn bản đôn đốc các địa phương của tỉnh thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện thông tin giả mạo, sai lệch, gây hoang mang, ảnh hưởng đến dư luận và tình hình nhân dân trên địa bàn. Sở thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về hành vi hoặc chủ tài khoản mạng xã hội tung tin, lan truyền, chia sẻ để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Cùng với đó, việc định hướng dư luận, cung cấp các nguồn tin chính thống, đảm bảo khách quan, nhanh chóng, kịp thời được các ngành chức năng đặc biệt chú trọng. Theo đó, các thông tin được đăng tải liên tục trên nhiều kênh chính thống trên nền tảng truyền thông truyền thống và hiện đại như: Các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh; hệ thống thông tin cơ sở ở cấp huyện đến tận thôn, bản, khu phố; hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh...


Anh Nguyễn Bá Quảng (trái), xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên sử dụng điện thoại di động để cập nhật thông tin trên mạng xã hội.

Đặc biệt, từ ngày 22/1/2020, ứng dụng tiện ích thông minh từ Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh được triển khai trên thiết bị di động mang tên là Smart Quang Ninh đã chính thức vận hành, trở thành kênh thông tin hữu ích, cung cấp thường xuyên thông tin đến với người dân. Trung tâm Truyền thông tỉnh cũng đang thử nghiệm ứng dụng Quang Ninh media trên thiết bị di động nhằm kịp thời đưa tin tức tới người dân.

Thực tế cho thấy, hầu hết những tin giả đăng tải là do ý thức chủ quan của cá nhân. Điều khiến cho tin giả “có đất sống” trên môi trường mạng xã hội chính từ sự cả tin, dễ dãi và tâm lý đám đông của người sử dụng mạng xã hội. Do đó, để ngăn chặn tình trạng này, chỉ cơ quan chức năng thôi là chưa đủ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong quá trình tiếp nhận, chia sẻ, đăng tải thông tin.

Anh Nguyễn Bá Quảng (thôn Trung, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên) cho biết: Tôi thường xuyên theo dõi các thông tin trên các hạ tầng, như mạng xã hội, loa đài, truyền hình... Tôi tin tưởng hoàn toàn về độ chính xác của thông tin trên các kênh chính thống; các thông tin đăng khác khi tiếp nhận tôi đều tìm hiểu rõ ràng, nếu không chính xác không chia sẻ. Bởi lan truyền những thông tin giả có thể gây ra hậu quả khó lường cho cộng đồng.


Theo: Cao Quỳnh - Nguồn (http://baoquangninh.com.vn/)

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: