Vài suy nghĩ về việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam
Thứ sáu, ngày 17 Tháng 5 năm 2019 lúc 09:52


Đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ lâu đã trở thành chủ đề được cả xã hội quan tâm. Trong bối cảnh báo chí truyền thông đang phát triển bùng nổ như hiện nay, vấn đề đạo đức nghề nghiệp người làm báo càng trở nên cấp thiết. Một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp trước hết cần nghiêm túc, có trách nhiệm với công việc của mình. Đồng thời phải khách quan, tôn trọng sự thật và công chúng báo chí. 

 

Lãnh đạo HNBVN và tỉnh Quảng Ninh trò chuyện với các nhà báo nhân dịp HNB Quảng Ninh tổ chức hội thảo nghiệp vụ.

Trong cuộc chạy đua thông tin hiện nay, vì chạy theo lợi ích, vì thiếu trách nhiệm, vì vụ lợi cá nhân, không ít nhà báo đã đánh mất niềm tin nơi công chúng với những bài viết vô cảm, với những thông tin giật gân câu khách, hoặc sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín tờ báo.

Thời gian gần đây, chúng ta không khỏi giật mình trước khá nhiều vụ việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo sách nhiễu, tống tiền doanh nghiệp, nhận hối lộ đã bị phát hiện, đưa ra ánh sáng. Những đối tượng vi phạm bị bắt, bị khởi tố, thậm chí lĩnh án tù - cái giá họ phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật. Những vụ việc này một lần nữa làm xấu đi hình ảnh, gây ảnh hưởng đến những người làm báo cách mạng chân chính. Và đó cũng là lời cảnh tỉnh cho những người làm báo đang có biểu hiện “tha hóa, biến chất”. 

Vi phạm pháp luật, vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có một số là do cố tình. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp là do người làm báo còn non yếu về trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp “chết oan” bởi vì sự thiếu hiểu biết, non kém về nghiệp vụ của một số nhà báo. Có những chuyện chưa đâu vào đâu đã vội vàng đăng tin “giật gân” khiến công chúng hiểu lầm, kéo theo hệ lụy không nhỏ, thậm chí thiệt hại về kinh tế. Đơn cử như vụ việc một số cơ quan báo chí đăng thông tin không chính xác về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định. Thông tin sau đó được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ, loan truyền gây ra lo ngại về sức khỏe cộng đồng khi dùng nước mắm truyền thống. Hậu quả là các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người tiêu dùng tẩy chay, không đưa được vào các siêu thị; các vùng, miền sản xuất nước mắm truyền thống gặp khó khăn. Các nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm sau đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, hậu quả trong những vụ việc như vậy khó có thể khắc phục được.

Bên cạnh đó, vẫn còn những hiện tượng người làm báo kiếm tiền từ nỗi buồn, đời tư của những người nổi tiếng. Chỉ cần đó là một người đang được xã hội quan tâm biết đến, nhất là đang có scandal hoặc có chuyện buồn trong đời riêng là nhiều nhà báo đều xoáy vào đó để khai thác đăng tin.

Đã có những tờ báo bị xử phạt vì đưa tin sai sự thật, đưa thông tin chưa được kiểm chứng, sai sót trong quá trình tác nghiệp. Thế nhưng, dù chịu hình thức xử phạt đến thế nào đi nữa, thì hình phạt nặng nề nhất đối với người cầm bút,  đó chính là đánh mất niềm tin nơi công chúng.  

10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 15/12/2016. Và từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đều có hiệu lực. 

Luật Báo chí hay 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đều quy định rất rõ: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải; không làm sai lệch, xuyên tạc, gây tổn hại tới cộng đồng, lợi ích của tập thể, quốc gia và dân tộc.

Trong thời gian qua, nội dung của Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội Nhà báo Quảng Ninh, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt đến các hội viên, các phóng viên, giúp các hội viên, phóng viên tránh vi phạm Luật báo chí cũng như Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Trong thời buổi xã hội thông tin nhanh nhạy, đặc biệt là sự ra đời của mạng xã hội khiến môi trường làm việc của nhà báo trở nên rộng lớn hơn. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với những người làm báo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Điều này đặt ra cho những người làm báo rất nhiều vấn đề về pháp luật, đạo đức và trách nhiệm cũng như nghĩa vụ công dân của nhà báo. Đã có không ít phóng viên, nhà báo chưa làm đúng quy trình tác nghiệp, chưa cẩn trọng trong việc đưa thông tin, chưa xác định được trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Khi tiếp cận thông tin từ mạng xã hội, đã có nhiều phóng viên vội vàng đưa tin, chạy đua với thời gian, số lượng mà không kiểm chứng, hoặc kiểm chứng qua loa dẫn tới đưa thông tin không chính xác. Sử dụng mạng xã hội thiếu thận trọng, chúng ta không chỉ tiếp tay cho những thông tin sai sự thật, mà còn vô hình trung hạ thấp vai trò, uy tín của người làm báo trong mắt công chúng. Đó cũng chính là nhà báo đã vi phạm đạo đức người làm báo.


Sinh hoạt Chi hội là diễn đàn để các hội viên nhà báo trao đổi về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp.


Xã hội ngày càng hiện đại thì cách thức làm báo, sự cạnh tranh thông tin báo chí càng quyết liệt hơn. Việc sử dụng mạng xã hội phục vụ báo chí như thế nào, cũng như việc thích ứng với những cái mới trong lĩnh vực báo chí ra sao đòi hỏi sự nhạy cảm nghề nghiệp, khả năng thâu tóm và xử lý thông tin rất cao của người làm báo. Và quan trọng hơn, người làm báo cần phải có cái tâm với nghề. Trong đời sống báo chí sôi động như hiện nay, có không ít nhà báo dũng cảm, sẵn sàng dấn thân, không quản ngại vất vả thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để tìm tòi, giới thiệu những gương mặt điển hình, những người tốt, việc tốt hay điều tra, đi tới tận cùng sự thật, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ lẽ phải cũng như góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Ngòi bút của nhà báo gắn liền với đạo đức nghề nghiệp. Để ngòi bút sắc bén được phát huy tốt, rất cần cái tâm của người làm báo./.

 Nguyễn Thị Thanh Hoa

Phó Trưởng phòng Biên tập Phát thanh

Trung tâm Truyền thông tỉnh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: