Bài 5: Quảng Ninh – Một đầu tàu phát triển kinh tế
Thứ sáu, ngày 03 Tháng 11 năm 2023 lúc 00:00

(CLO) Quảng Ninh đang kiên trì phát triển chuyển từ “nâu” sang “xanh, ngày càng coi trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển theo chiều sâu; không ngừng kiến tạo các không gian phát triển mới, nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển bền vững.

Các mũi nhọn kinh tế đều được phát huy

Chia sẻ với chúng tôi về sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, nhà báo Đỗ Ngọc Hà- Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh kể: Tôi may mắn được sinh ra đúng vào dịp hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng để thành lập tỉnh Quảng Ninh. Sinh ra, lớn lên trong những năm gian khó, trải qua các giai đoạn cách mạng ở Vùng mỏ, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội của quê hương, đặc biệt là trong những năm đổi mới vừa qua. Từ một tỉnh nghèo, phải nhận trợ cấp từ trung ương, đến nay, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của phía Bắc.

bai 5 quang ninh mot dau tau phat trien kinh te hinh 1
Trên thực tế, nói đến Quảng Ninh, người ta nghĩ ngay đến Than. Trước khi tiếp quản Khu mỏ (25/4/1955), chúng ta gặp muôn vàn khó khăn do người Pháp khi rút đi đã phá hoại, mang đi nhiều máy móc. Đầu những năm 90 của thế kỷ XX còn có “than thổ phỉ” hoành hành bên cạnh xí nghiệp than do chính quyền sở tại quản lý, gây ra nhiều phức tạp về an ninh, trật tự, môi trường.
bai 5 quang ninh mot dau tau phat trien kinh te hinh 2Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Ninh cùng với ngành Than đã quyết tâm xóa sổ “than thổ phỉ”. Từ đó đến nay, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, ngành Than liên tục phát triển. Trong 3 năm (từ năm 2020 đến năm 2022), ngành Than đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có trên 77.000 lao động (làm việc trong lò 43.500 người). Tổng sản lượng than sạch 3 năm (2021-2023) ước đạt 135,56 triệu tấn. Thu nhập bình quân người lao động những tháng đầu năm 2023 đạt 16 triệu đồng/người/tháng. Đóng góp vào thu nội địa trên địa bàn tỉnh của ngành than vẫn luôn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2020 là 39,1%, năm 2021 là 36,7%, năm 2022 là 40,9%).

Cùng với ngành Than, ngành điện ở Quảng Ninh cũng rất phát triển. Quảng Ninh tiếp tục trở thành trung tâm sản xuất nhiệt điện lớn của cả nước.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn tỉnh sẽ chiếm tỷ trọng hơn 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng...8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh tăng 12,99%.

bai 5 quang ninh mot dau tau phat trien kinh te hinh 3Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã và đang được chủ đầu tư tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam sản xuất vải dệt kim; Công ty TNHH điện tử Tonly Việt Nam có sản phẩm mới là vòng tay thông minh...Đặc biệt có 8/14 sản phẩm chế biến, chế tạo chủ yếu đạt và vượt so với kịch bản.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của Quảng Ninh tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 11,3% GRDP toàn tỉnh, năm 2022 tăng lên là 11,5%. Dự kiến năm 2023 con số này sẽ là 12,3%.

Tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

bai 5 quang ninh mot dau tau phat trien kinh te hinh 4Từ phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang đậm “chất” riêng, như: khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long; công viên Đại Dương, quần thể nghỉ dưỡng và sân Golf FLC; khu nghỉ dưỡng Legacy Yên tử, khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, công viên hoa Hạ Long...

Đối với lĩnh vực dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Nhờ vậy, 9 tháng năm 2023, khu vực dịch vụ - du lịch của tỉnh Quảng Ninh ước tăng 12,76%, giữ đà tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành nông nghiệp tuy đóng góp vào GRDP không cao nhưng tỉnh Quảng Ninh xác định phải tích cực triển khai các giải pháp để trở thành trụ cột vững chắc, điểm tựa hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Tái cơ cấu kinh tế, chuyển từ “nâu” sang “xanh”

bai 5 quang ninh mot dau tau phat trien kinh te hinh 5Có thể thấy rằng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn, thách thức chưa từng có; đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng.

Kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lập nên kỳ tích trong giai đoạn đổi mới.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Năm 2022, GRDP của Quảng Ninh tiếp tục đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước.

Trong 10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới và nguồn lực, động lực mới.

Liên kết vùng được tỉnh Quảng Ninh triển khai ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Đến Quảng Ninh hôm nay, ai cũng dễ dàng nhận thấy diện mạo, cảnh quan của các vùng miền trong tỉnh thay đổi từng ngày.

Những tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn, thử thách chưa từng có, với sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính trị toàn tỉnh, nhất là hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân, tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh ước đạt 9,94%, là mức tăng trưởng rất cao so với mặt bằng chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 40.678 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra...

bai 5 quang ninh mot dau tau phat trien kinh te hinh 6

Dựa vào kinh tế phát triển toàn diện, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Để giữ vững kinh tế phát triển, giữ vững vị trí, vai trò đầu tàu kinh tế trong khu vực và cả nước, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, giải phóng mọi nguồn lực phát triển, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện theo quy hoạch gắn với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tỉnh cũng quyết tâm tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, khá giả, chú trọng nghề nuôi biển bền vững, xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm thủy sản miền Bắc...

Quảng Ninh đang kiên trì phát triển chuyển từ “nâu” sang “xanh, ngày càng coi trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển theo chiều sâu; không ngừng kiến tạo các không gian phát triển mới, nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: “Kinh tế phát triển” là một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, là yếu tố quan trọng hàng đầu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Bởi chỉ có phát triển lâu dài mới giúp tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, mới có điều kiện chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân và cũng là thước đo uy tín, năng lực, trình độ lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh

Hà Vân – Quang Phúc