Bài 4: Quảng Ninh: Khẳng định một nền hành chính minh bạch
Thứ năm, ngày 02 Tháng 11 năm 2023 lúc 00:00

(CLO) Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh lần thứ 2 (lần đầu là năm 2020) vinh dự chinh phục vị trí dẫn đầu cả nước ở cả 4 chỉ số cải cách hành chính (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS)...

Đây là những kết quả chưa từng có tiền lệ và quan trọng hơn cả là Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt các chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả...

Liên tục đứng dẫn về các chỉ số cải cách hành chính

bai 4 quang ninh khang dinh mot nen hanh chinh minh bach hinh 1
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất PCI 2022

Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 6 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2022) giữ vị trí Quán quân ở Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Như vậy, tỉnh Quảng Ninh có 2 năm (năm 2020 và năm 2022) dẫn đầu cả nước ở cả 4 chỉ số cải cách hành chính (PCI, PAPI, PAR Index và SIPAS)... Những kết quả này chưa có tiền lệ, chưa có địa phương nào trong cả nước đạt được.

Có thể thấy rằng, cùng với các thành tố khác trong hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, thì “hành chính minh bạch” là môi trường, là điều kiện đã giúp Quảng Ninh tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu ấn tượng.

Trên lĩnh vực kinh tế, đó là: GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016 - 2022, trong đó, năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt khoảng 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước.

Trong vòng 10 năm (2010 - 2020), tỉnh đã thu hút được hơn 200 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký trên 6,5 tỷ USD; có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.

bai 4 quang ninh khang dinh mot nen hanh chinh minh bach hinh 2

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI được duy trì ổn định và phát triển, giúp Quảng Ninh tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ...

Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ ba trong top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước (20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 2,186 tỷ USD).

Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu thu hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), 10 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Theo đó, Quảng Ninh đã vượt Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM... để dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký ở Quảng Ninh đạt gần 3,09 tỉ USD, chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng vốn FDI vào Quảng Ninh tăng mạnh do lượng vốn đăng ký cho các dự án cấp mới tăng. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh chỉ cấp mới cho 18 dự án FDI với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 810 triệu USD. Trong tháng 10 này, tỉnh đã cấp thêm giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án mới; tổng vốn đăng ký hơn 2,2 tỉ USD. Kết quả, tổng vốn đăng ký cho các dự án cấp mới của Quảng Ninh trong 10 tháng đầu năm 2023 đã tăng lên mức 3,08 tỉ USD.

Bí quyết của Quảng Ninh

Chia sẻ về bí quyết để đạt được những “trái ngọt” trên đây, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, công khai; đạt các chuẩn mực quốc tế, minh bạch, coi trọng trách nhiệm giải trình, thường xuyên đối thoại với nhân dân... là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh từ đổi mới đến nay, nhất là trong 10 năm trở lại đây, là yếu tố mang tính then chốt để Quảng Ninh xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo và nâng cao năng lực quản trị địa phương đặt trong sự gắn kết với quản trị quốc gia và quản trị toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước...

Chính vì sự coi trọng đó, nên đến năm 2023, tỉnh đã có 10 năm thực hiện đánh giá chỉ số cải cách hành chính và 6 năm đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng.

bai 4 quang ninh khang dinh mot nen hanh chinh minh bach hinh 3

TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên Đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI, thì lý giải: Khát vọng vươn lên và quyết tâm đổi mới của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đã đưa Quảng Ninh trở thành một “ngôi sao” cải cách ở Việt Nam.

Theo ông Tuấn, để đạt được kết quả đó còn là nhờ hàng loạt sáng kiến cải cách đã được Quảng Ninh thực hiện. Tiêu biểu là chuyển dịch nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, lập 7 quy hoạch chiến lược có tầm nhìn đến 2030 và 2050, mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công tập trung, thành lập Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư IPA, xây dựng và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận huyện (DDCI)… Cùng với đó, Tỉnh cũng có nhiều sáng tạo trong hợp tác công – tư; thực hiện Đề án 25 xây dựng bộ máy tinh, gọn, hiệu quả; tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo; Hội đồng Nhân dân tổ chức chất vấn và giám sát các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư…

Ở một góc độ khác, TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định rằng: Quảng Ninh đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền và các cơ quan quản lý các cấp; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trong giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

bai 4 quang ninh khang dinh mot nen hanh chinh minh bach hinh 4

Cũng theo TS Nhị Lê, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở vị thế then chốt; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đánh giá, rà soát tiến độ công việc bảo đảm chất lượng; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương, đơn vị gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, cá thể hóa trách nhiệm và định lượng hóa hiệu quả công việc.

GS, TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính quốc gia thì cho rằng: Đạt được thứ hạng cao đã khó, nhưng duy trì thứ hạng cao trong một thời gian dài tính theo năm thật không đơn giản. Nguyên nhân do đâu? Theo ông Nguyễn Hữu Khiển, trong 10 tiêu chí cơ bản (mỗi tiêu chí có nhiều tiểu tiêu chí bên trong) mô tả và đánh giá năng lực cạnh tranh, tiêu chí nào cũng rất quan trọng, nhưng tiêu chí “chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp” và “chính sách đào tạo lao động” được coi là chìa khóa mở ra thành tích cho các tiêu chí khác.

bai 4 quang ninh khang dinh mot nen hanh chinh minh bach hinh 5
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh được khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 2019

Là người “trong cuộc”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh đúc kết bài học kính nghiệm, đồng thời cũng là phương hướng, nhiệm vụ trong xây dựng nền hành chính minh bạch là cần phải đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc phù hợp với các giá trị, chuẩn mực văn hóa, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Để “Hành chính minh bạch” thực sự là môi trường để Quảng Ninh vươn lên thành tỉnh giầu đẹp, thời gian tới tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, tập trung vào các trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động, giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó là tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; giữ vững thương hiệu của tỉnh về một “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”. Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới, cải cách hành chính và cải cách tư pháp...

Với quyết tâm chính trị cao và những kết quả xây dựng nền hành chính, cải cách hành chính đạt được, “hành chính minh bạch” thực sự trở thành một giá trị đặc trưng trong hệ giá trị của tỉnh. Đây là một giá trị đương đại, song sự ra đời và hình thành của nó sâu xa vẫn có sự kế thừa, phát triển những nét giá trị, phẩm chất truyền thống của văn hóa, con người Quảng Ninh.

Hà Vân – Quang Phúc