Nhớ cái Tết xa nhà vì dịch bệnh
Thứ ba, ngày 12 Tháng 4 năm 2022 lúc 00:00
 “Con không biết, Ba phải về cơ. Ba không về thì không có Tết nhất gì hết”. 
Lời hờn trách lẫn tiếng khóc nức nở của cô con gái đầu lòng đang học lớp 8 qua điện thoại trong những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021 khiến người cha như tôi không khỏi rớm nước mắt. Nỗi nhớ gia đình, cha mẹ, vợ con dâng lên ở mức tột cùng.
 “Ba xin lỗi con, vì công việc, vì dịch bệnh. Ba hứa sẽ ăn Tết với cả nhà sau vậy”. Lời xin lỗi chẳng làm an lòng ai cả, mà càng làm cho tiếng khóc nức nở của con trẻ to hơn, não ruột hơn.
Làn sóng dịch, bệnh COVID-19 lần thứ 3 ập đến trong những ngày cuối của tháng 1/2021 khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần. Quảng Ninh là địa phương có 2 ổ dịch lớn là thị xã Đông Triều và Sân bay Vân Đồn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh với phương châm “thần tốc” quyết tâm kiểm soát được dịch bệnh sớm nhất để nhân dân có thể đón Tết yên vui và an toàn.


Tác giả ghi hình các y bác sỹ tiêm vắc xin cho người cao tuổi tại khu dân cư.


Không ngại khó khăn, không ngại nguy hiểm, những phóng viên của Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Quảng Ninh đã lao vào “cuộc chiến” lần thứ 3 chống giặc COVID-19. Xuất hiện trên mọi điểm nóng, mọi thời điểm, từ đêm hôm đến rạng sáng, hay dự những cuộc họp chống dịch từ sáng đến tối mịt… Dòng thông tin và những thước phim về cuộc chiến chống COVID-19 của Quảng Ninh vẫn đều đặn được gửi về cơ quan TTXVN.
Dù có tuân thủ những quy định phòng, chống dịch cận trọng như thế nào đi chăng nữa, nhưng khi đã lao vào “điểm nóng”, đồng nghĩa với việc sự chấp nhận những nguy cơ cao bị nhiễm virus SARS-CoV-2 bởi muốn có hình ảnh, muốn có những cuộc phỏng vấn sinh động, đòi hỏi phóng viên không thể không tiếp xúc những nguồn tin ngoài hiện trường.
Với sự “thần tốc” trong truy vết trên diện rộng, khẩn trương lấy mẫu và xét nghiệm nhanh, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao, cách ly tập trung hiệu quả, kịp thời khoanh vùng dập dịch một cách khoa học, hợp lý nên tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản khống chế được, không còn xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng từ rất sớm.
Ngày 8/2, Quảng Ninh chính thức công bố kiểm soát được dịch, bệnh COVID-19. Thông tin ấy đến với những người làm báo như tôi không khỏi mừng vui, bởi  không chỉ Quảng Ninh kiểm soát được dịch bệnh, nhân dân có cái Tết yên vui, an toàn mà với cá nhân mình sẽ có cơ hội về ăn Tết với gia đình sau gần một tháng xa nhà.
Không như dự đoán, dù Quảng Ninh kiểm soát được dịch bệnh trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhưng Hải Phòng lại áp dụng “thiết quân luật”, thắt chặt sự kiểm soát ra, vào thành phố. TP Hải Phòng công khai bản đồ phòng chống dịch và coi cả tỉnh Quảng Ninh là một nên không cho bất kỳ một ai từ tỉnh này “nhập cảnh”. Nếu ai cố tình vào sẽ bị áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày tự trả phí.
Cùng lúc đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh kêu gọi cán bộ, công chức, người lao động, công nhân ngành Than ở lại Quảng Ninh ăn Tết vì sự an toàn của xã hội và gia đình. Trong bối cảnh ấy, việc ra quyết định ở Quảng Ninh ăn Tết là một sự hết sức khó khăn, là sự đấu tranh trong tư tưởng vô cùng lớn đối với cá nhân mình.
Những cuộc điện thoại liên hồi gọi về nhà an ủi, động viên cha mẹ, vợ con. Những người lớn thì ai cũng thông cảm, hiểu hoàn cảnh. Tuy nhiên, con trẻ thì lại không. Dù cho ba chúng và cả gia đình có giải thích, khuyên răn nào là dịch bệnh nguy hiểm, hay hàng vạn các cô, chú bộ đội, bác sỹ, công an… Tết này cũng như ba không được sum họp với gia đình… Nhưng ở cái tuổi ngang ngược, ương bướng chúng nhất định không nghe và hờn dỗi khiến những người lớn càng đau lòng thêm.
Gác lại chuyện gia đình, để đón cái Tết đầu tiên xa nhà sau 20 năm công tác, tôi bắt đầu chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho cá nhân mình; nhận phần trách nhiệm thực hiện toàn bộ các báo cáo an ninh trật tự trong tất cả các ngày nghỉ Tết; lên kế hoạch thông tin ngày Tết… Hạnh phúc và sự an ủi, động viên ở những túi quà Tết của đồng nghiệp là một cặp bánh chưng và cân giò của Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh. Quà tặng tinh thần là tấm Giấy khen của Truyền hình Thông tấn vì thực hiện tốt tuyến thông tin về đại dịch COVID-19.
Ngày 30 Tết chia tay người đồng nghiệp, tưởng chừng ăn Tết cùng mình, trở về Hà Nội với gia đình. Chiều mùng Một Tết tự thưởng cho mình ngày nghỉ Tết bằng chuyến đạp xe bên bờ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Ngày mùng Hai Tết xuất hành đi đảo Quan Lạn – Minh Châu… Bảy ngày nghỉ lễ Tết trôi đi nhanh chóng bởi 2 chuyến công tác ra đảo xa phản ánh không khí đón xuân và lao động trở lại sau Tết. 
Bảy ngày ăn Tết online với gia đình trong các khung giờ chào buổi sáng, chúc ngủ ngon và các bữa ăn. Bữa ăn ngày Tết thì phong phú, có bữa mỳ tôm, có bữa giao lưu với gia đình bạn bè ở Hạ Long, hay bữa ăn với công nhân lao động ở đảo xa…
Ngày Hải Phòng tháo dỡ cách ly, cũng là ngày tôi có được xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 để trở về gia đình kịp ăn Tết Nguyên Tiêu cùng gia đình./.


Theo: Văn Đức - TTXVN

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: