“Chuyện những con tàu khóc” & trái tim người làm báo
Thứ sáu, ngày 01 Tháng 7 năm 2022 lúc 00:00

Nhà báo Thu Giang, Trưởng phòng  Biên tập Phát thanh của QMG - đại diện nhóm tác giả tác phẩm "Chuyện những con tàu khóc” đã chia sẻ cùng báo chúng tôi về hành trình tác nghiệp tạo nên tác phẩm được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đánh giá cao.

Lựa chọn một đề tài mà ngay khi mới bắt đầu đã nhận được ít nhiều những phản đối từ đồng nghiệp, bởi thời điểm đó ai cũng ngao ngán tiên lượng rằng câu chuyện này sẽ rơi vào ngõ cụt, vì chẳng có cách nào có thể cứu được những con tàu, cứu du lịch nếu dịch bệnh cứ lây lan chưa hồi kết… nhưng nhóm tác giả Thanh Thiện, Thu Giang, Lan Phương của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh vẫn quyết tâm phải làm, làm bằng được, vì thấy rằng, không thể im lặng. Và tác phẩm “Chuyện những con tàu khóc” đã ra đời từ quyết tâm ấy. Nhà báo Thu Giang – đại diện nhóm tác giả đã chia sẻ cùng báo Nhà báo & Công luận về hành trình tác nghiệp tạo nên tác phẩm được Hội đồng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 đánh giá cao.

Tàu du lịch được coi là biểu tượng đặc trưng của du lịch Hạ Long. Bao năm qua, hàng trăm nghìn chuyến tàu đã làm tròn sứ mệnh đưa đón khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đến với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hình ảnh những con tàu trắng rong buồm lướt sóng trên làn nước xanh ngọc bích, thấp thoáng giữa trùng điệp núi non đã tạo nên một bức tranh sơn thuỷ sống động có một không hai tại địa danh đã 2 lần được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Do vậy, khi du lịch Hạ Long trầm lắng, đội tàu du lịch hơn 500 chiếc phải nằm bờ, án binh bất động thì nỗi đau đó không chỉ của riêng ngành du lịch, mà đã tác động trực tiếp tâm can của mỗi người dân Hạ Long.

chuyen nhung con tau khoc trai tim nguoi lam bao hinh 1

Nhà báo Thu Giang.

Đại dịch COVID-19 đã càn quét nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. COVID-19 cũng khiến cho nhiều ngành nghề kinh doanh bị tê liệt. Nhưng tổn thất nhất với ngành du lịch là những con tàu. Chỉ trước tháng 4/2022 thôi, tương lai của ngành du lịch còn mờ mịt. Đại dịch còn diễn biến phức tạp với số ca mắc COVID-19 tăng đột biến các tỉnh thành phía Bắc, sau khi cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người ở phía Nam.

Lúc ấy khi đặt vấn đề “tiếng khóc những con tàu” để buộc các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương phải thực sự nhìn nhận tính cấp thiết của các chính sách cứu tàu du lịch nói riêng, du lịch Vịnh Hạ Long nói chung, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi đã ngao ngán tiên lượng: Câu chuyện này sẽ rơi vào ngõ cụt, vì chẳng có cách nào có thể cứu được những con tàu nếu dịch bệnh cứ lây lan chưa hồi kết.

Và chúng tôi hiểu nỗi lo của các đồng nghiệp, một tác phẩm báo chí mà không mở ra được hướng đi nào cho vấn đề mình đưa ra, bế tắc trước thực tại thì tác phẩm đó sẽ chết trước khi được sinh ra. Nhưng nếu không nói ra, nhà báo chỉ biết lặng im, đồng thuận với thực tại khó khăn khốn cùng của những con tàu thì trái tim người làm báo cũng coi như đã chết. Bởi vậy ê-kíp chúng tôi vẫn quyết định theo đuổi đề tài này.

Bằng nhiều nguồn tư liệu của các anh em làm thời sự, chuyên đề, văn nghệ… trong cơ quan, với sự định hướng kịp thời của ban lãnh đạo, ê-kíp “Chuyện những con tàu khóc” đã bắt tay vào đi tìm chi tiết để kể câu chuyện âm thanh của mình.

Sau nhiều lần gặp gỡ Chi hội tàu du lịch Hạ Long, có những buổi gặp trực tiếp trên tàu, nói chuyện với chủ tàu, các hướng dẫn viên du lịch giữa sóng gió dập dìu, ảm đạm, đến những buổi đối thoại căng thẳng giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng mà không tìm ra giải pháp, tất cả đều được chúng tôi thu âm cẩn thận để về chắt lọc những âm thanh đắt, có giá trị. Và khi tiếng lòng rưng rưng của các doanh nghiệp cất lên thì cũng là lúc chúng tôi bật ra được tứ cho phóng sự.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết khi dịch COVID-19 tràn qua, ban lãnh đạo các công ty du lịch, các chủ tàu du lịch ở Hạ Long đã loay hoay, tìm mọi cách xoay sở để cứu vãn những con tàu, làm sao có chi phí bảo dưỡng để tàu không bị hỏng hóc do hà bám, do nước biển han rỉ, làm sao có tiền trả lương cho đội trông coi tàu, làm sao tạo được sinh kế cho những nhân viên đã từng gắn bó nhiều năm với công ty.

Nhưng nỗi lo lớn hơn đó là làm sao có tiền trả nợ ngân hàng mỗi tháng, bởi với giá trị từ 2 tỷ - 80 tỷ đồng/tàu thì đa số các doanh nghiệp, các chủ tàu đều phải nợ ngân hàng. Kinh doanh không được lại phải trả nợ, những chủ tàu phải bán đi phương tiện di chuyển cuối cùng là chiếc ô-tô, xe máy, có những chủ tàu nhỏ còn phải để tàu nằm im, vay anh em, gia đình trả nợ, còn bản thân phải đi làm công nhân tại công trường để có tiền lo sinh hoạt cho gia đình.

Mặc dù Chính phủ đã có chính sách giãn hoãn thời gian trả nợ cho các chủ doanh nghiệp nhưng họ vẫn vô cùng chật vật để nuôi tàu, vì không hoạt động nên các chủ tàu lại khó có điều kiện tiếp cận các gói vay hỗ trợ của ngân hàng.

“Biển lớn thì sóng to”, những con tàu hàng tỷ đồng nằm đó khiến các chủ tàu khóc ròng. Có những người từ vị trí thuyền trưởng phải làm công nhân vệ sinh tàu, tất cả là những chất liệu vô cùng ám ảnh.

Để thể hiện được bức tranh thực tế đó, chúng tôi hạn chế lời bình dài mà ưu tiên phần tác nghiệp của phóng viên ở hiện trường. Chúng tôi cũng ưu tiên những tiếng động thực tế của các buổi họp, nơi phơi bày cái khó, cái bí và cả cái yếu trong cơ chế chính sách để thích ứng linh hoạt với đại dịch, khẩn trương tìm giải pháp gỡ khó, khôi phục lại du lịch ngay khi COVID-19 còn hoành hành.

chuyen nhung con tau khoc trai tim nguoi lam bao hinh 2

Nữ Nhà báo tác nghiệp tại hiện trường.

Như lời đại diện một doanh nghiệp trong tác phẩm đã chia sẻ: Chúng ta phải có phương án trợ đà cho du lịch ngay từ bây giờ chứ đợi đến lúc dịch tan mới triển khai thì sẽ quá muộn. Chất liệu đã có, chi tiết đã có nhưng trong thời gian cho phép của một phóng sự ngắn sắp xếp làm sao cho chuỗi âm thanh đảm bảo ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đầy đủ thông điệp, hài hoà giữa tiếng hiện trường, lời dẫn và lời bình là cả một vấn đề. Cũng phải mất một số ngày làm hậu kỳ, nghe đi, nghe lại, chắt lọc những âm thanh có giá trị và viết lời bình sao cho phù hợp thì cuối cùng tác phẩm đã hoàn thành.

Mặc dù vẫn còn nhiều tiếc nuối trong cách thể hiện và mức độ dày dặn, sâu sắc của vấn đề nhưng chúng tôi thầm coi như đây là một tiếng nói đồng cảm cho những khó khăn chất chồng mà ngành du lịch Quảng Ninh nói chung, đội tàu du lịch Hạ Long nói riêng đã phải trải qua.

Thật may là một thời gian sau, Quảng Ninh đã có những chính sách kích cầu du lịch mạnh mẽ. Những cú hích đó đã giúp cho ngành du lịch từng bước lấy lại phong độ và vịnh Hạ Long dần nhộn nhịp trở lại.

Giờ đây khi dịch COVID-19 đã tạm lắng, những con tàu dù còn không ít khó khăn đã bắt đầu hồi sinh, đa dạng hơn các loại hình phục vụ du khách từ phố đêm du thuyền cho đến tổ chức tiệc cưới, tiệc hội nghị, trải nghiệm hè…

Chúng tôi nhận ra, nhà báo với sứ mệnh là thư ký trung thành của thời đại cần mạnh dạn trong nhận định các vấn đề xã hội, không ngại đấu tranh phản biện, quan trọng là đúng lúc, kịp thời. Có như vậy tác động định hướng dư luận mới cao, giúp cho quá trình vận hành kinh tế, xã hội của mỗi địa phương không chậm nhịp, lạc hướng.

Theo:An Bảo (Ghi)/ NB&CL; (Nguồn: hoinhabaovietnam.vn)



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: