Quảng Ninh tiếp lửa SEA Games bằng trái tim nhiệt huyết
Thứ ba, ngày 31 Tháng 5 năm 2022 lúc 00:00

Không chỉ bằng rừng cờ hoa băng rôn khẩu hiệu bằng tiếng trống, tiếng hò reo, người Quảng Ninh còn tiếp lửa cho thể thao bằng trái tim nhiệt huyết và tình cảm thân thiện, chào mừng. Điều đó xuất phát từ nền tảng văn hóa Quảng Ninh hào sảng, văn minh nhưng cũng là lộ trình để hướng tới một đích đến là xây dựng văn hóa cổ vũ đặc sắc ở Vùng mỏ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Chuyện của những tấm vé

Những ngày qua không khí thể thao nói chung và bóng đá tại Quảng Ninh vô cùng sôi động. Không khí thể thao hiện hữu khắp mọi vùng, khắp ngóc ngách của cuộc sống, trong mỗi bữa ăn, trong từng câu chuyện lúc trà dư tửu hậu của mỗi gia đình.

Để đảm bảo an ninh và kiểm soát số lượng người vào sân, ban tổ chức không bán vé nhưng vẫn in vé mời cho từng ngày thi đấu bóng đá nữ và chung kết bóng chuyền. Vì thế mà câu chuyện nóng hổi nhất vẫn là chuyện về những tấm vé. Hàng nghìn khán giả đã mang ghế ra xếp sẵn chỗ, sẵn sàng thức thâu đêm để chờ đến sáng mai được nhận vé miễn phí vào sân theo dõi các trận bán kết, chung kết. Người ta phơi nắng xếp hàng từ ngày hôm trước chỉ để nhận một tấm vé vào sân cổ vũ cho đội tuyển.

Sức nóng của trận đấu tăng cao, nhu cầu đến sân của người hâm mộ rất lớn nhưng sân vận động Cẩm Phả chỉ có sức chứa tối đa 1,6 vạn chỗ ngồi nên số lượng khán giả phải đứng ngoài sân rất đông. Từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng yêu thích bóng đá và sẵn sàng dành thời gian để góp mặt trên khán đài cổ vũ đội nhà. Đó là lý do khiến số lượng khán giả trên dưới 16.000 người, chật kín cầu trường Cẩm Phả mỗi khi thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung thi đấu.

          Mong muốn là vậy nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu chiếc vé để vào sân. Vậy là người người nhà nhà đi săn vé. Người hâm mộ Quảng Ninh sẵn sang xếp hàng dài trước cổng sân vận động từ hôm trước để chờ đến sáng hôm sau được nhận vé mời. Thậm chí người ta bắc ghế ra ngồi, trải chiếu ra nằm cả đêm để giữ chỗ xếp hàng. Người đến sớm có vé thì vui sướng, rạng rỡ người lỡ hẹn thì thất thểu ra về. Đây đó có cả những hiện tượng mua đi bán lại chiếc vé mời và đã kịp thời được lực lượng an ninh chấn chỉnh. Tuy nhiên, ngay cả điều đó cũng chứng minh rằng, sức hấp dẫn của thể thao đối với người Quảng Ninh, tình yêu thể thao của người Vùng mỏ là bất tận. Chứng kiến cảnh chờ phát vé như vậy, tôi chắc nhiều người cũng đang ao ước như mình giá như sân vận động này có sức chứa gấp 5, thậm chí gấp 10 lần hiện tại. Nhưng dù khán đài có rộng đến mấy đi chăng nữa thì chắc chắn cũng không thể nào đủ vé phát cho người hâm mộ vì cả Vùng mỏ này yêu bóng đá, ai cũng muốn ra sân xem bóng đá.

Khán giả Vùng mỏ là động lực thi đấu cho các đội thể thao. Huấn luyện viên trưởng Mai Đức Chung, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chia sẻ: “Nhìn những dòng khán giả xếp hàng từ 3 giờ sáng để nhận vé vào sân, chúng tôi vô cùng xúc động và thiết nghĩ càng phải có trách nhiệm hơn với khán giả. Tôi cùng học trò đã nỗ lực cao nhất để không phụ lòng người hâm mộ”.

Để động viên những khán giả không có vé trực tiếp vào sân cổ vũ, nhiều địa phương trong tình đã triển khai việc lắp đặt màn LED gần sân Cẩm Phả, ở khu đô thị TTP, Quảng trường 12/11 Cẩm Phả, Quảng trường 30/10 thành phố Hạ Long, tại sân vận động thị xã Quảng Yên để phục vụ khán giả không có điều kiện đến sân. Màn LED lớn được lắp đặt và điều đặc biệt là không có bất cứ nhãn hàng thương mại nào xuất hiện ở khu vực màn hình phát trực tiếp trận đấu.

Những “cầu thủ trên khán đài”

Những ngày vừa qua, không khó để bắt gặp trên những con đường dẫn vào sân vận động, cổ động viên đang nhanh chân đến sân cổ vũ cho đội tuyển. Khắp các khán đài, băng-rôn khẩu hiệu, tiếng hò reo và tinh thần vì màu cờ sắc áo đã bắt đầu nóng hừng hực, sẵn sàng tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển, là hành trang cho vận động viên vững tin chiến đấu. Đó cũng là nguồn sức mạnh tinh thần cực lớn khiến cho các chiến thắng thêm ý nghĩa và trọn vẹn hơn.

Khi SEA Games 31 chưa được khởi tranh, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã đến Cẩm Phả tập luyện. Buổi tập nào của đội tuyển tại bãi biển hay tại sân vận động Cửa Ông cũng đều được khán giả chào đón nhiệt tình. Thực tế thì khi tầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung chưa ra sân đã thắng từ niềm tin cùng sự cuồng nhiệt từ người yêu bóng Vùng mỏ.

Cùng với bóng đá, bóng ném bãi biển là môn thi đấu được khởi tranh sớm nhất SEA Games 31 tại Quảng Ninh. Trong gần 1 tuần diễn ra 24 trận đấu, khán đài hơn 2.400 chỗ trên bãi biển Tuần Châu (Hạ Long) thường không còn một chỗ trống.

 Các khán đài của nội dung thi đấu bóng chuyền bãi biển ở Tuần Châu hay bóng chuyền trong nhà ở Nhà thi đấu 5000 chỗ phường Đại Yên cũng có số lượng khán giả đông đảo nhất là những trận đấu cuối.

 Bên cạnh số lượng du khách thì người dân Quảng Ninh đã cố gắng sắp xếp công việc để cổ vũ cho các đội tuyển. Trên khán đài, chúng tôi quan sát thấy có nhiều bóng áo xanh công nhân mỏ vừa tan ca nhưng không về ngủ bù mà ra sân cổ vũ cho các vận động viên. Nhiều phụ huynh dẫn theo con nhỏ đi cổ vũ để giáo dục cho các cháu cảm nhận được tinh thần đồng đội và đoàn kết của người Quảng Ninh, của người Việt Nam. Dù là người dân hay du khách, những con người chưa từng quen biết nhưng đều có cảm xúc chung cùng chung nhịp đập con tim khi cổ vũ các trận đấu.

Trong số những “cầu thủ trên khán đài”, có những cổ động viên rất đặc biệt. Ngay sau mỗi trận đấu, lãnh đạo tỉnh, đại diện ngành Than và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh cũng đã nán lại chung vui, động viên và trao thưởng cho các cầu thủ, vận động viên, huấn luyện viên. Đặc biệt, trận chung kết bóng đá nữ có sự dự khán của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Chị Bùi Thị Hồng Hạnh là một trong hai cổ động viên nhiệt thành đã lặn lội theo chân các đội tuyển bóng đá Việt Nam ra nước ngoài vừa để cổ vũ vừa tiếp tế thực phẩm bởi một lý do khiến chị lo sợ các tuyển thủ Việt Nam không quen đồ ăn nước ngoài. Các trận bóng đá nữ trong khuôn khổ SEA Games 31, chị Hạnh không bỏ một buổi nào. Chị còn hào phóng treo thưởng cho đội nữ hàng trăm triệu đồng nếu đội vô địch.

Chị Vũ Thanh Thúy, nick name là “Thúy Ngán”, thành viên Hội Cổ động viên Quảng Ninh, chia sẻ: “Đội tuyển nữ Việt Nam đã có những chiến thắng rất ấn tượng và thuyết phục. Vì vậy, với điểm tựa là sân nhà, cổ động viên sẽ luôn đồng hành, cổ vũ hết mình cho Đội tuyển. Ngay từ trận đầu tiên, chúng tôi đã đăng thông tin trên facebook để các cổ động viên nắm bắt thông tin và chủ động chuẩn bị trang phục đến cổ vũ”. Chị Thúy đã cùng hội cổ động viên tổ chức cắm cờ ở khán đài B16 và B17, trung tâm của sân vận động để tiếp lửa cho các cô gái vàng Việt Nam.

Những trận đấu của đội tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 31 trên sân nhà Cẩm Phả, chắc hẳn nhiều người sẽ ấn tượng với hình ảnh một cổ động viên nhí vô cùng đặc biệt. Đó là Quỳnh Chi, con gái của Phạm Hoàng Quỳnh, nữ cầu thủ của đội tuyển bóng đã quốc gia Việt Nam quê ở Hồng Phong, Đông Triều.

Trong hành trình bảo vệ “ngôi hậu” SEA Games, Quảng Ninh vinh dự đóng góp 7 cầu thủ cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, trong đó chỉ riêng Phạm Hoàng Quỳnh là có con nhỏ. Mỗi trận đấu, bé Quỳnh Chi dù còn rất nhỏ những dõi theo từng bước chạy của mẹ ở dưới sân. Trong suy nghĩ ngây thơ và non nớt của cô bé Quỳnh Chi, có lẽ tình yêu thể thao của người Vùng mỏ đã bắt đầu được gieo hạt mầm đầu tiên.

Ngoài Không chỉ chủ nhà Việt Nam, các đội bóng nữ còn lại đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên trước sự nhiệt huyết của khán giả nhà. Huấn luyện viên Mai Đức Chung chia sẻ: “SEA Games được tổ chức trên sân nhà, đối với tập thể đội tuyển nữ Việt Nam chúng tôi đó thực sự là một điều hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi các cầu thủ được thi đấu tại SVĐ Cẩm Phả với sự cổ vũ vô cùng nhiệt thành của gần 2 vạn cổ động viên Quảng Ninh. Thực sự đã kinh qua rất nhiều giải đấu cả trong nước và quốc tế nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm nhận được sự cổ vũ, động viên lớn đến như vậy của người hâm mộ. Nguồn năng lượng tích cực, vô tận từ các khán đài sân Cẩm Phả tiếp thêm rất nhiều sức mạnh cho thầy trò chúng tôi ra sân, chiến đấu và chiến thắng”.  

Ngay cả người thua cuộc cũng nể phục sự cổ vũ của khán giả Quảng Ninh. Sau những thất bại trước chủ nhà Việt Nam, huấn luyện viên trưởng tuyển nữ Philippines, Campuchia và Myanmar đều cùng chung cảm nhận rằng chưa bao giờ được chứng kiến cảnh tượng khán đài chen kín người ở một trận đấu bóng đá của phái nữ như vậy. Ông Tin Myint Aung, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá nữ Myanmar, chia sẻ: “Bản thân tôi cũng ngạc nhiên với bầu không khí trên sân do các cổ động viên tạo ra. Việt Nam đã có nguồn động lực thi đấu mạnh mẽ từ khán giả trên sân”.

Như vậy, ai cũng có thể nhận ra sự cổ vũ của khán giả Vùng mỏ là một phần làm nên những chiến thắng. Nói về sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ, huấn luyện viên Mai Đức Chung cho biết: “Chúng tôi nhìn hình ảnh khán giả xếp hàng từ sáng, thấy thương và mủi lòng, điều đó giúp tuyển nữ chơi hết sức”.

Có thể khẳng định rằng ban tổ chức SEA Games 31 đã rất sáng suốt khi đưa bóng đá nữ về Sân vận động Cẩm Phả. Đây một trong những nơi chứa đựng tình yêu và niềm kiêu hãnh của người vùng Than. Mà đã là than thì mang sứ mệnh là phải cháy sáng. Vì vậy, khi Đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu, chẳng có lý do gì mà “chảo lửa” Cẩm Phả không “rực cháy”. Bốn bề khán đài rực cháy một màu đỏ tươi trẻ như một vòng tròn lửa. Màu đỏ của quốc kỳ, màu áo trên ngực cổ động viên như lấn át tất cả những màu sắc còn lại.

Đặc biệt, đứng trước lá đại kỳ tung bay đầy kiêu hãnh, niềm tự hào dân tộc như càng dâng cao, làm sôi sục nhiệt huyết trong trái tim mỗi cầu thủ. Mỗi khi đội tuyển nữ Việt Nam có bàn thắng cả sân vận động như đứng dậy, hàng vạn cổ động viên vỡ òa hạnh phúc, cầu trường như muốn nổ tung. Bởi khi đó, không chỉ có tình yêu bóng đá mà hơn hết chính là tinh thần và niềm tự hào dân tộc vốn đã sẵn có trong dòng máu mỗi người chỉ chờ dịp để được bùng lên.

Mãi sau khi kết thúc trận đấu rất lâu, người hâm mộ Quảng Ninh vẫn nán lại sân bóng chia vui cùng các cô gái kim cương Việt Nam. Những đám đông còn tụ tập phía ngoài sân chờ đón các thần tượng nữ ngoài đời để chụp ảnh lưu niệm cho thỏa thích.

Quả thật, chưa bao giờ các tuyển thủ nữ Việt Nam hạnh phúc như những ngày sống trong bầu không khí bóng đá tuyệt vời đến thế. Đoàn quân của huấn luyện viên Mai Đức Chung sẽ nhớ mãi bầu không khí rực lửa trên sân, nhớ những tiếng hô vang “Việt Nam” hùng tráng như một luồng sức mạnh vô hình cho đội chân thêm mạnh mẽ.

Sức nóng cuồng nhiệt của khán giả Quảng Ninh còn được truyền qua sóng vệ tinh tới nhiều quốc gia và trở thành chủ đề thu hút dư luận. Hình ảnh những dòng người Quảng Ninh thức xuyên đêm để xếp hàng dài chờ để mua được tấm vé vào sân và những đường phố rợp băng rôn, cờ đỏ sao vàng với hàng ngàn người hâm mộ đổ ra đường đã trở thành những hình ảnh đẹp trong con mắt du khách.

Phong cách cổ vũ của người Vùng mỏ

Dưới sân các cầu thủ thi đấu hết mình theo phong cách của từng đội. Còn trên sân, khán giả cũng cổ vũ hết mình theo phong cách cũng rất riêng. Không khí cổ vũ ấy làm nhiều người nhớ đến phong cách cổ vũ của cổ động viên nhiều nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Mexico, Iceland hay Hàn Quốc nếu có dịp du lịch đến các quốc gia để theo dõi thể thao.

Cách cổ vũ theo kiểu “làn sóng người” đã xuất hiện kéo dài và phổ biến đến tận bây giờ. Thuật ngữ “làn sóng người” xuất hiện từ World Cup Mexico 1986 lần này được tái hiện trên đất Cẩm Phả. Trên khán đài, cổ động viên chủ nhà đứng lên giơ tay hò reo và ngồi xuống nhịp nhàng, tạo hình tượng những con sóng lan tỏa giáp vòng sân bóng, truyền lửa một cách sống động mà cầu thủ thi đấu dưới sân hoàn toàn có thể cảm nhận được.

 Làn sóng người thường thấy mỗi khi có sự hiện diện của đội tuyển nam quốc gia. Nhưng lần này ở Cẩm Phả là ở đội nữ. Tôi nhận ra ngoài Vịnh Bái Tử Long sóng nước chỉ lăn tăn nhưng ở trong sân vận động này thì có những con sóng cảm xúc đang cuộn trào liên hồi, bất tận.

Khán giả Quảng Ninh còn có kiểu cổ vũ với tinh thần thể thao cao thượng. Khi tiếng còi khai cuộc cất lên, điều dễ nhận thấy là các cổ động viên Quảng Ninh không chỉ dành sự ủng hộ cho đội chủ nhà Việt Nam mà còn dành tình yêu thể thao và sự mến phục cho tất cả các đoàn vận động viên các nước tham dự SEA Games 31.

Các trận thi đấu không có đội Việt Nam khán giả Quảng Ninh vẫn đến rất đông, đến chứng kiến những màn thi đấu cống hiến, những nỗ lực vượt lên chính mình. Đó là lối cổ vũ rất đẹp, rất “Fair Play”. Không gì khác hơn đó là một biểu hiện của truyền thống đồng tâm của người Vùng mỏ. Mà không những đoàn kết đồng lòng vì đồng đội, đồng nghiệp, vì người Quảng Ninh người Việt Nam còn vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn sau đại dịch Covid-19. Tinh thần đó trùng khớp với phương châm và khẩu hiệu mà Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã đề ra.

Tại thành phố triệu đóa hoa hồng Cẩm Phả, khán giả đã mang đến sân vận động vạn đóa hoa hồng. Họ đã dựng lên “bức tường hoa hồng” đỏ trên khán đài với cờ hoa, biểu ngữ, áo đỏ. Những trận đấu loại trực tiếp mà đông nghịt khán giả phủ kín khán đài như thế đã là cơ hội để các cầu thủ của chúng ta được trui rèn, quen với sức ép thi đấu.

Thực ra, cũng phải thắng thắn thừa nhận rằng xưa nay bóng đá nữ không được quan tâm nhiều bằng bóng đá nam. Nhưng ở Cẩm Phả lần này đã khác. Khán giả Quảng Ninh đã khác. Người hâm mộ Quảng Ninh tạo ra một bước ngoặt trong cách nhìn nhận về bóng đá nữ xưa nay. Thậm chí, tại những trận đấu đầu tiên chính những cô gái vàng của chúng ta cảm thấy có phần bất ngờ và choáng ngợp với không khí cổ vũ tại Quảng Ninh. Các cầu thủ nữ của chúng ta chạy chỗ, dắt bóng trong trạng thái cái đầu đang lâng lâng. Nhưng cảm giác hưng phấn đó cũng quen dần. Đến những trận sau những bước chạy của cầu thủ áo đỏ càng ngay càng thanh thoát hơn, lối chơi ngày càng thăng hoa hơn.

Biên tập viên Tiểu Huyền, Ban Thể thao- Giải trí và Thông tin kinh tế, VTV, lý giải nguyên nhân lượng khán giả đến cổ vũ đặc biệt như vậy bởi vì Vùng mỏ là mảnh đất yêu thể thao đặc biệt là bóng đá, phong trào bóng đá phát triển rất mạnh từ những hầm mỏ, khai trường. Hơn nữa, đây là nơi mà các cô gái của đội bóng Than- Khoáng sản, nòng cốt của đội tuyển nữ Việt Nam thường xuyên thi đấu. Sân nhà, khán giả nhà với tình yêu bóng đá vô bờ bến như vậy thì không có lý gì mà không sôi động, hào sảng theo cách của người Quảng Ninh.

Ngay cả những người thi đấu nhiều năm cho đội tuyển quốc gia như cựu tiền đạo Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng hết sức bất ngờ. Chị Minh Nguyệt nhận định: “Khán giả Quảng Ninh cổ vũ rất là cảm xúc. Họ cổ vũ bằng cả trái tim. Phong cách cổ vũ ấy ở những trận đầu khán giả đông quá choáng ngợp nhưng rồi các cầu thủ cũng dần dần quen với chảo lửa đông khán giả ở Cẩm Phả”.

Để có được những màn cổ vũ ấn tượng, Hội cổ động viên của Quảng Ninh đã làm rất tốt trong việc quy định cổ vũ văn minh, có văn hóa, mặc trang phục cờ đỏ sao vàng, mang cờ theo để cổ vũ, tuân thủ pháp luật. Nếu không tuân thủ quy định chung thì không được vào sân. Sân Cẩm Phả đã không có hiện tượng ném giấy vệ sinh cuộn ném pháo sáng.

Mỗi trận đấu bóng đá có khoảng hơn 500 học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đến cổ vũ. Đấy là chưa kể các em đi cùng với cha mẹ theo vé mời.  Cẩm Phả đã gửi đến khán giả một thông điệp rằng, nơi đây không chỉ có công nghiệp, có hòn đá cháy tỏa nhiệt lượng, có những người thợ mỏ cần cù sáng tạo mà còn có những cầu thủ luôn tỏa sáng trên đài vinh quang, có những cổ động viên nhiệt huyết đầy mình. Cẩm Phả không chỉ là thành phố triệu đóa hồng mà còn là thành phố yêu chuộng thể thao.

Những ngày đầu diễn ra SEA Games 31, Quảng Ninh mưa nắng thất thường, có trận bóng đá nữ ban tổ chức phải lùi thời gian thi đấu xuống đến 4 giờ sau mới đá. Nhưng khán giả không ai nỡ lòng bỏ ra về mà vẫn sẵn sàng trụ lại và chờ đợi để được vào sân chứng kiến các cô gái thi đấu.

 Rồi Quảng Ninh lại cùng với miền Bắc nhận một đợt không khí lạnh bất thường chưa từng có nhưng không khí trên các khán đài đã xua tan cái lạnh. Mọi người chỉ cảm nhận thấy sức nóng. Sức nóng tỏa ra từ không khí thi đấu từ sự cổ vũ và từ chính huyết quản của mình.

Chị Thúy “Ngán” chia sẻ: “Chúng tôi đã rất tự hào khi Sân vận động Cẩm Phả được đăng cai môn bóng đá nữ nên chúng tôi muốn tạo ra hình ảnh đẹp về người hâm mộ Quảng Ninh tới bạn bè và du khách’. Chị Thúy bán ngán ở chợ ngon thì đã đành chị còn tham gia phát động và góp phần tạo dựng hình ảnh cổ vũ bóng đá khiến cho cổ động viên nơi khác cũng phải “ngán” vì không thể theo kịp.

Còn một câu chuyện đẹp khác diễn ra ở phút thứ 75 của trận đấu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Philippines. Đó là hình ảnh dàn tình nguyện viên xếp thành bức “tường người” để bảo vệ sự riêng tư cho tuyển thủ Dương Thị Vân khi chị đang nhận được sự chăm sóc y tế. Hình ảnh này đã được nhiều người ngợi khen. Tôi tin chắc rằng những tình nguyện viên kia làm việc hết mình còn vì những điều cao cả hơn ngoài nhiệm vụ được giao phó.

Những ngày qua, ở Quảng Ninh thể thao nói chung và bóng đá nói riêng được coi như một thứ “bùa mê” đầy mê hoặc. Thể thao là một phần cuộc sống những ngày qua và dường như đã là chiếc cầu hữu nghị làm lu mờ mọi khoảng cách về địa lý, quốc tịch. Người ta có thể dễ dàng trao nhau những ánh mắt nụ cười thân thiện, cái ôm thật chặt.

Lực lượng chức năng ở Quảng Ninh tìm thấy đồ thất lạc của du khách trong vòng nửa tiếng. Đến sợi dây chuyền vàng đắt tiền của thành viên đội tuyển Thái Lan làm rơi, cổ động viên người Quảng Ninh cũng không mảy may tơ hào. Người Quảng Ninh vốn như vậy, luôn thân thiện và mến khách.

Nhìn chung, phong cách cổ vũ của người Vùng mỏ được đánh giá là rất giàu sức trẻ, đầy khát vọng và cống hiến. Đó là nền tảng để xây dựng một nền văn hoá cổ vũ đẹp, văn minh và để bạn bè khu vực và thế giới phải ngưỡng mộ. Đó cũng là thông điệp quảng bá về một đất nước xinh đẹp, giàu truyền thống văn hóa.

 

 Sự cổ vũ của người Vùng mỏ, tình người Vùng mỏ đã tạo ra nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ. Ai đó mường tượng rằng nếu có một cuộc thi cổ vũ thì có lẽ người hâm mộ bóng đá Vùng mỏ xứng đáng được trao cúp vàng vì những ấn tượng để lại.

Theo: Minh Trụ

 

 

 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: